Chi tiết
Tên thương mại: Fructus Piperis nigri
Thành phần hóa học: Trong Tiêu có nước, chất khoáng, tính bột, lipid và protid. Vỏ quả ngoài chứa 1-2,5% tinh dầu, gồm các terpen (phellandren, pinen, limonen) nên có mùi thơm và vị dịu. Hạt chứa 10% nhựa có vị cay và nóng do các chất có nitrogen, xem như là các alcaloid và những amid của piperidin và acid thơm không trung hoà. Hoạt chất chính là piperin (5-8%); là amid của piperidin và của acid piperic, kèm theo đồng phân của nó là chavicin, và piperettin là amid của piperidin và của acid piperettic. Tiêu sọ giàu tinh bột hơn, ít hơn về cellulose và tro, kém hơn Tiêu một ít về nhựa và piperin.
Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính nóng, có mùi thơm; có tác dụng trừ hàn, làm ấm bụng, giảm đau, tiêu thực, khỏi nôn. Tiêu dùng với liều thấp là một chất kích thích sự tiết dịch vị và kích thích hệ thần kinh. Nó cũng có tính kháng khuẩn và diệt trùng, nên được dùng để gìn giữ thức ăn. Nó là chất kích thích và gây xung huyết da, các tuyến nhờn. Với liều cao, nó gây độc, có thể gây co giật và đái ra máu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Tiêu là gia vị thông dụng khắp thế giới. Ở nước ta, thường dùng làm kích thích tiêu hoá, giảm đau, trị đau bụng lạnh, thổ tả, ăn không tiêu, nôn mửa hoặc trúng hàn vùng tim, suyễn thở, đờm tắc, quyết lạnh. Ngày dùng 2-4g, dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Tiêu tán bột dùng xỉa răng chữa đau răng, sâu răng, hoặc thổi vào mũi gây hắt hơi và xát vào chân răng chữa trúng gió lạnh, hôn mê cắn răng co quắp. Người ta còn dùng tiêu để trừ sâu bọ, thường bỏ vào tủ, hòm để quần áo khỏi bị nhậy cắn. Ở nhiều nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, nó là vị thuốc thông thường.